Cách đây tròn 4 năm (ngày 26/5/2009), tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB) diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Cù lao Chàm - Hội An đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An có tổng diện tích gần 371 km2, với 3 phân vùng chức năng: vùng lõi (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), vùng đệm (vùng cửa sông Thu Bồn) và vùng chuyển tiếp (đô thị cổ Hội An).
Vùng lõi: có diện tích 235 km2 gồm toàn bộ diện tích Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (diện tích khai thác hợp lý, diện tích phục hồi sinh thái, diện tích phát triển du lịch, diện tích rừng tự nhiên và diện tích phát triển cộng đồng).
Vùng đệm: có diện tích 136 km2, trong đó có 8,96 km2 rừng cây dừa nước và các cây ngập mặn khác. Vùng đệm bao gồm vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo sông Thu Bồn đến Đô thị cổ Hội An.
Vùng chuyển tiếp: là diện tích còn lại của khu dự trữ sinh quyển nhưng quan trọng nhất là đô thị cổ Hội An với diện tích 30 km2.

Hình 1: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An
Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam với hơn 300 loài san hô, thuộc 40 giống và 17 họ. Các thảm cỏ biển có 5 loài ở các vùng nước sâu từ 10 m trở lại. Quần đảo này có 97 loài thân mềm có liên hệ với các rạn san hô, thuộc 61 giống và 39 họ. Các loài tôm hùm quen thuộc được tìm thấy trên các rạn san hô, cùng với khoảng 270 loài cá rạn thuộc 105 giống, 40 họ. Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú, cảnh quan hoang sơ độc đáo, Cù lao Chàm còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt.

Hình 2: Đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Di sản văn hóa phố cổ Hội An gần như nguyên vẹn với những dãy phố soi bóng trên bờ sông Thu Bồn. Kiến trúc các ngôi nhà bằng gỗ quý, nội thất được trang trí hoành phi, câu đối, cột nhà chạm trổ hoa văn đều mang nét văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc thời giao lưu thương mại từ mấy trăm năm trước đây, cùng với những giá trị phi vật thể là những lễ hội, tập quán, phong tục dân gian còn đang được bảo tồn rất tốt với ý nghĩa một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Hình 3: Di sản văn hóa thế giới Hội An
Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An thể hiện sinh động việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên thông qua sự kết nối giữa di sản văn hóa Phố cổ Hội An và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm như một mô hình cho phát triển bền vững dưới sự điều phối của UBND Thành phố Hội An nhằm thực hiệu quả các chức năng của một khu sinh quyển thế giới.
Không chỉ được biết đến như một điểm du lịch sinh thái biển đảo mới lạ và hấp dẫn, Cù Lao Chàm còn là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công chiến dịch “nói không với túi ni-lon”. Được phát động từ tháng 5 năm 2009, chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lon” thực sự đã nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường của người dân, góp phần tạo tiếng vang lớn ở một khu dự trữ sinh quyển thế giới, thu hút lượng du khách đến Cù Lao Chàm ngày một gia tăng.

Hình 4: Diễn biến lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm
Bên cạnh những kết quả tích cực sau 4 năm được UNESCO vinh danh, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức: áp lực từ du khách tăng đột biến, công tác bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội, lợi ích và sinh kế cộng đồng, cơ chế chính sách quản lý, ô nhiễm từ đất liền, thiên tai – thời tiết cực đoan.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Mục tiêu của khu dự trữ sinh quyển là kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học với sử dụng bền vững tài nguyên cho con người. Như vậy, khu dự trữ sinh quyển sẽ là phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế. Với mục tiêu và ý nghĩa đó, hi vọng trong thời gian tới, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An sẽ ngày càng phát huy hơn nữa vai trò tích cực, để giữ vững và xứng đáng với danh hiệu cao quý này.