là một xã đảo có tên hành chính là xã Tân Hiệp, cách thành phố Hội An 18 Km về phía biển Đông. Xã bao gồm 8 đảo với tổng diện tích là 15 km2. Đảo lớn nhất là Hòn Lao. Đây cũng là đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Xã Tân Hiệp có 4 thôn với gần 3.000 người dân đang sinh sống. Thu nhập chủ yếu của người dân đảo là từ các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, chiếm 74% tổng thu nhập của người dân. Hoạt động du lịch, dịch vụ mới hình phát triển trong những năm gần đây.

Cù Lao Chàm có 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước. Từ năm 2003, khu vực này được chọn để xây dựng dự án Khu bảo tồn biển thuộc Chương trình hợp tác phát triển môi trường của Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái quan trọng như: rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển với nhiều giá trị nổi bật về đa dạng sinh học. Đến năm 2006, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm chính thức được thành lập, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Sở NN & PTNT).
KBTB Cù Lao Chàm có diện tích 5.175 ha mặt nước, với khoảng 311 ha rạn san hô, 500 ha thảm cỏ biển với nhiều loài hải sản có giá trị. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học đã xác định được ở Cù Lao Chàm có khoảng 277 loài san hô tạo rạn thuộc 40 giống và 17 họ; 270 loài cá thuộc 105 giống, 40 họ; 5 loài tôm hùm; 97 loài nhuyễn thể và rất nhiều loài có giá trị về mặt sinh thái, giá trị kinh tế và cảnh quan (Nguyễn Văn Long, 2008).
Theo kế hoạch quản lý tổng hợp giai đoạn 2010 - 2013, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) đã xác định 6 đối tượng mục tiêu cần ưu tiên bảo tồn đó là: Cua đá, San hô, Ốc vú sao, vú nàng, Tôm hùm, Thảm cỏ biển và Bãi biển.
Kết quả nghiên cứu hệ sinh rừng tại Cù Lao Chàm đã phát hiện và thống kê được 288 loài cây thuộc 107 họ thực bậc cao được xác định là nằm trong danh mục cây thuốc (Nguyễn Văn Tập, 2005). Trong số nhiều loài cây thuốc quí tại Cù Lao Chàm, qua hàng trăm năm kinh nghiệm, người dân Cù Lao Chàm đã chọn lọc và tinh chế được nhiều bài thuốc có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người như: Hỗ trợ chức năng tiêu hóa; bổ huyết; trị cảm cúm, ho; trị suy nhược thần kinh; giúp khỏe gân cốt; làm đen tóc; trị bệnh kiết lỵ và nhiều bài thuốc quí khác. Bên cạnh những tài nguyên sinh vật biển và rừng kể trên, Cù Lao Chàm còn có đặc sản là Yến sào, nguồn lợi này mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho địa phương và đã trở thành biểu tượng của xã đảo.
Bên cạnh một hệ sinh thái phong phú, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn ẩn chứa trong mình các nền văn hóa từ xa xưa để lại như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Với các di tích đã được khai quật đã chứng minh mối quan hệ, giao lưu giữa Cù Lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển thành từ thế kỷ XIII. Qua các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây trên 3.000 năm, nơi đây còn là nơi sinh sống của các cư dân cổ xưa.
Trong những năm gần đây, Cù Lao Chàm được biết đến như một trong những điểm tham quan thú vị của du khách. Phong cảnh hữu tình cùng với lòng hiếu khách của người dân địa phương miền biển đảo đã và đang thu hút được tình cảm của du khách khắp nơi. Cù Lao Chàm được ví như viên ngọc chưa được gọt dũa giữa biển với vẻ đẹp tĩnh lặng, hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Những di tích nổi tiếng như Chùa Hải Tạng, Giếng Chăm xóm Cấm, Miếu tổ nghề Yến, Lăng Thành Hoàng, ..vv là những minh chứng cho sự hưng thịnh của người Chăm và người Việt cổ cách đây hàng ngàn năm. Trong số đó, có 7 di tích được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2007. Với những di tích này cùng với đời sống của người dân, du khách có thể cảm nhận được nền văn hóa đương đại kết hợp hài hòa cùng với văn hóa Chămpa và văn hóa cổ xưa của người Việt Nam.
Không nơi đâu lôi cuốn như Cù Lao Chàm bởi nét đẹp hòa nguyện giữa cái hùng vĩ của núi rừng và nét dịu dàng mát mẽ của làn sóng biển trong xanh. Một nơi với sự hiện hữu đầy đủ các sinh cảnh đặc trưng của các hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước.
Với lợi thế trên, và nhất là khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm đã thu được một lượng lớn du khách, cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch chưa thực sự góp phần cải thiện cuộc sống của người dân địa phương và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn tài nguyên của KBTB.